THÁNH THỂ – BÍ TÍCH MANG ĐẶC TÍNH HÔN NHÂN

I. DẪN NHẬP

Khi nói đến bí tích hôn nhân, người ta thường xem hôn nhân chỉ là một đề tài thuộc thần học luân lý, bàn đến các mục tiêu tự nhiên như là sinh sản và dưỡng dục con cái hay chế ngự tình dục. Do đó, bài viết này muốn tìm hiểu khía cạnh tích cực nổi bật hơn, đánh dấu một bước tiến của thần học về bí tích hôn nhân. Tất cả như được trình bày cô đọng trong số 27 của tông huấn Sacramentum caritatis: “Thánh Thể, bí tích mang đặc tính hôn nhân”[1]; “Đó là bí tích của hôn phu và hôn thê”[2]. Một bí tích củng cố liên tục sự duy nhất và tình yêu bất khả phân ly của hôn nhân Ki-tô giáo.

Thánh Thể không những làm sống lại hy tế tình yêu mà còn là một bí tích kết hôn giữa Đức Ki-tô và Hội thánh. Vì thế, Thánh Thể củng cố thêm cho sự hợp nhất khăng khít của hôn nhân. Từ đó, ta có thể thấy sự chuyển hoán từ ngữ giữa hai bí tích: một mặt, Thánh Thể là bí tích tình yêu và trở nên khuôn mẫu cho hôn nhân; mặt khác, hôn nhân trở thành hình ảnh phản chiếu cho Thánh Thể vì là bí tích mang đặc tính hôn nhân giữa Đức Ki-tô và Hội thánh. Nhìn từ trên xuống, Thiên Chúa đã muốn dùng hình ảnh phu thê để diễn tả tình yêu đối với nhân loại. Thánh Thể đã biểu lộ mối tình đó cách tột đỉnh, và trở nên bí tích tình yêu. Nhìn từ dưới lên, qua tình yêu trao hiến, đôi bạn diễn tả giao ước tình yêu, và trở nên dấu chỉ sống động cho tình yêu phu thê của Đức Ki-tô và Hội thánh. Tình yêu này được nuôi dưỡng đặc biệt nơi Thánh Thể, nhờ đó các đôi bạn trẻ trong đời sống hôn nhân tìm được sức mạnh để chu toàn sứ mạng của họ trong Hội thánh, nghĩa là những thừa tác viên của thông hiệp và truyền giáo.

Bí tích Thánh Thể biểu thị và thực hiện sự hiệp nhất các đôi bạn Ki-tô hữu, là những người hợp thành một thân thể, trong Chúa Ki-tô (x. 1Cr 10,17). Trong đời sống hôn nhân, đôi bạn cũng được mời gọi kết hiệp cùng Chúa Ki-tô như vậy. Người là ánh sáng thế gian. Chúng ta phát xuất từ Người, sống nhờ Người và hướng về Người.[3]

II. THÁNH THỂ VÀ TÍNH ĐƠN HÔN TRONG KI-TÔ GIÁO

  1. Thánh Thể: Duy Nhất Và Siêu Việt Là Dấu Chỉ Hiệp Nhất

Một tình yêu được gọi là hoàn hảo khi người yêu vượt qua chính mình để hướng tới đối tuợng yêu và thông chia tất cả những gì mình là và mình  cho đối tượng mà tình yêu hướng tới. Trong việc thông chia tất cả những gì mình  và mình  cho người yêu là một hành vi nhân linh, qua đó vợ chồng “không còn là hai nhưng là một xác thịt” (Mt 19,6), làm nên yếu tố bất khả phân ly trong tình yêu hôn nhân. Đặc tính một vợ một chồng bất khả phân ly của hôn nhân Ki-tô giáo phù hợp với đức tin về một Thiên Chúa độc thần.[4] Cũng như tấm bánh làm thành Thánh Thể được cấu tạo bởi nhiều hạt lúa miến thế nào, thì chúng ta cũng được liên kết nên một như vậy. Thánh Thể là dấu chỉ hiệp nhất giữa các tín hữu, vì chỉ có một tấm bánh mà hết thảy chúng ta cùng ăn, cùng dâng lên Chúa Cha, cùng nhau tôn thờ, và hết thảy chúng ta được qui tụ lại thành một thân thể duy nhất mà Chúa Giê-su là Đầu. Nhờ tham dự vào Thánh Thể, mọi người được chia sẻ cùng một sự sống của Chúa Ki-tô: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6,56).

Hôn nhân Công giáo được thiết lập mô phỏng tình yêu giữa Chúa Ki-tô và Hội thánh, một tình yêu không chia sẻ và bền vững muôn đời. Chính sự mô phỏng này ban cho Hôn nhân Công giáo phẩm giá cao quý nhất: Tình yêu vợ chồng sánh ví tình yêu giữa Chúa Ki-tô và Hội thánh. “Bí tích Hôn phối quả thật cao quý. Đây tôi nói về Chúa Ki-tô và Hội thánh” (Ep 5, 32). Vậy, Hôn nhân Công giáo phải là đơn hôn và vĩnh viễn dựa vào phẩm giá ấy. Tình yêu vợ chồng bao gồm một toàn thể tính trong đó có đủ mọi yếu tố cấu tạo nên ngôi vị: tiếng gọi của thân xác và của bản năng, sức mạnh của cảm năng và của lòng yêu mến, khát vọng của tinh thần và của ý chí; tình yêu ấy nhắm đến một sự hiệp nhất sâu xa về ngôi vị, một sự hiệp nhất, vượt qua sự kết hợp thành một thân xác, đưa đến chỗ chỉ còn một trái tim, một linh hồn; tình yêu ấy đòi hỏi sự bất khả phân ly và sự trung thành trong việc trao hiến cho nhau một cách dứt khoát.[5]

  1. Thánh Thể: Nguyên Lý Hiệp Nhất Và Nên Một

Chính Đức Giê-su đã quả quyết về sự ở trong nhau: “Ai ăn thịt Tôi và uống Máu Tôi, thì ở lại trong Tôi và Tôi ở trong người ấy” (Ga 6,56). Quả thế, người nào rước lấy Thịt Máu Chúa thì có nơi mình trọn vẹn Đức Giê-su Ki-tô gồm cả thần tính và nhân tính. Cảm nhận hanh phúc được Chúa ở trong ta, ta ở trong Chúa[6], từ đó, ta thấy được sự kết hiệp nên một với Chúa thật thắm thiết, mặn nồng và keo sơn như tình nghĩa phu thê. Trong Cựu Ước, chính Thiên Chúa đã mặc khải điều ấy khi Người xưng mình là “Phu Quân” yêu dân Israen như “Hiền Thê”. Phu Quân yêu thương Hiền Thê da diết và ghen tuông đến cuồng nộ nhưng mà vẫn có một điều Thiên Chúa thời Cựu Ước chưa làm được, đó là việc kết hiệp “nên một xương một thịt”, vì lúc đó Thiên Chúa còn thiêng liêng chưa mặc xác làm người để có xương có thịt mà kết hiệp nên một với ta! Sang thời Tân Ước, Đức Giê-su đã đến, đã làm người có xương có thịt nên đã làm được. Nhờ Bí tích Thánh Thể: chẳng phải lúc chúng ta lên rước Mình Máu thánh Người, Người ngự vào trong ta, ở trong ta, ta ở trong Người, Chúa với ta cả hai bây giờ kết hợp gắn bó với nhau đến nổi chỉ còn là “một xương một thịt” đó sao? Điều này được Thánh Phaolô diễn tả: “Chính vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về sự kết hiệp của Đức Ki-tô và Hội Thánh” (Ep 5,31-32). Dưới cái nhìn thần học Công giáo sự kết hợp nên một thân mình của vợ chồng được gắn liền với mầu nhiệm kết hợp giữa Chúa Ki-tô và Hội Thánh (x. Ep 5,32). Hay nói cách khác sự kết hợp này chỉ có thể đạt tới ý nghĩa thâm sâu nhất của nó trong chính Mầu nhiệm Thánh Thể.[7] Tình yêu của Đức Ki-tô dành cho Hội Thánh – Hiền thê được thể hiện bằng việc biến mạng sống mình trở thành quà tặng vô giá, quà tặng mang lại sự sống, biến mình trở thành “lương thực thần linh, để nhờ đó Hội Thánh thực sự hòa nhập vào cuộc sống của Đức Ki-tô, vị lang quân, như là một sự kết hợp thâm sâu vào trong tình yêu. Qua sự kết hợp này Hội Thánh nên một với Đức Lang quan của mình.[8]

 “Phúc cho ai được mời đến dự tiệc cưới Chiên Thiên Chúa!” (Kh 19,9). Nếu chúng ta, lúc Rước Lễ, mà cảm nghiệm được: ăn thịt và uống máu Chúa thì ở lại trong Chúa và Chúa ở lại trong ta (Ga 6,56) tức là được kết hợp nên một đến mức “trở thành một xương một thịt”, và cảm nghiệm được tình yêu nồng cháy của Chúa, là Đấng Phu Quân thần linh, như của người chồng đối với vợ yêu dấu, khi ấy chúng ta đạt đến tuyệt đỉnh của Phép Thánh Thể. Ngợi khen Chúa! Ngợi khen Thượng Trí khôn ngoan siêu việt đã khiến Chúa lập nên Bí Tích Thánh Thể để thể hiện tình yêu thương và sự hiệp nhất nên một giữa Người và chúng ta nồng nàn thắm thiết keo sơm như vậy!

  1. Thánh Thể: Kiểu Mẫu Cho Sự Duy Nhất Và Bền Vững Của Hôn Nhân

Bắt nguồn từ trong sự trao ban trọn vẹn và đích thân giữa hai vợ chồng, cũng như do lợi ích của con cái đòi hỏi, sự bất khả phân ly của hôn nhân dựa trên nền tảng là ý định Thiên Chúa đã bày tỏ trong mặc khải của Ngài. Thiên Chúa muốn hôn nhân phải bền vững bất khả phân ly và Ngài ban cho nó ơn này như kết quả, dấu chỉ và đòi hỏi của tình yêu tuyệt đối trung thành mà Thiên Chúa đã có đối với con người và là tình yêu mà Chúa Giê-su đã tỏ ra đối với Hội Thánh.[9]

Mối liên hệ trung thành, bền vững và tuyệt đối nối kết Đức Ki-tô với Hội Thánh và được diễn tả cách bí tích trong Thánh Thể, đáp ứng với đặc điểm nhân bản nguyên thủy theo đó người đàn ông dứt khoát liên kết với một người đàn bà duy nhất và ngược lại (x. St 2,24; Mt 19,5). Trong mầu nhiệm Thánh Thể, Chúa Giê-su nhấn mạnh và đề cao giá trị Bánh của Ngài ban; còn Phê-rô nhấn mạnh và đề cao giá trị Lời của Chúa Giê-su ban. Chính nhờ Bánh và Lời liên kết ta lại với Đức Ki-tô bất khả phân ly, giống y như sự bất khả phân ly của Bí tích Hôn Nhân, nhờ hai sợi dây “Giao Ước” và “Trao Thân” cho nhau trói chặt đôi vợ chồng lại cách bền vững, chỉ có thần chết mới tháo cởi cho họ được. Chúng ta có thể đọc thấy nền tảng giáo lý Hôn Nhân, cũng như sứ mệnh của đôi bạn sống Bí tích Hôn Phối trong thư của thánh Phao-lô gửi dân thánh tại Ê-phê-xô: “Chồng yêu vợ như Đức Ki-tô yêu Hội Thánh, và Hội Thánh tùng phục Đức Ki-tô thế nào thì người vợ cũng phải tùng phục chồng mình y như vậy” (Ep 5,21-32). Khi vợ chồng đã ký giao ước Hôn Nhân và trao thân cho nhau, thì hôn nhân đó thực sự là Hôn Nhân hoàn hợp, bất khả phân ly (x. Giáo Luật số 1061). Chúa đã quyết định như vậy, thì loài người không có quyền tháo gỡ! (x. Mt 19,5). Còn đối với ta để trở nên Hiền Thê thực thụ của Tân Lang Giê-su, mà Ngài không bao giờ rẫy từ ta được nữa, đó là Ngài mời gọi ta đến dự tiệc Thánh của Ngài một cách trọn vẹn, để Ngài trao thân cho ta và ta trao thân cho Ngài, có thế cuộc “Hôn Nhân” giữa Chúa và ta mới “thực sự hoàn hợp”, bất khả phân ly. Nhất là Tân Lang Giê-su không bao giờ Ngài chết nữa, thì làm sao “Hôn Phối” giữa Ngài với ta, quyền lực nào có thể tháo gỡ?! Sự bền vững của Bí Tích Thánh Thể là kiểu mẫu cho sự bền vững của Bí Tích Hôn Phối là thế.[10] Ngày nay, rất nhiều người Ki-tô hữu không ý thức giá trị được kết hợp với Chúa Giê-su Thánh Thể, đó là cách làm cho Ngài đau buồn nhất.

III. THÁNH THỂ VÀ TÍNH VĨNH HÔN TRONG KI-TÔ GIÁO

  1. Thánh Thể Ràng Buộc Tình Yêu Hôn Nhân

Giây ràng buộc đôi bạn trong đời sống hôn nhân chính là Tình Yêu Thánh Thể. Nói cách khác, khi đôi bạn được Chúa Giê-su Thánh Thể yêu thương, được tham dự vào tình yêu của Người, thì cũng chính là lúc để đôi bạn yêu thương nhau, như Người đã yêu họ. Nơi Thánh Thể, Chúa Ki-tô cũng chuyển thông dồi dào sức sống và tình yêu của Người cho tình yêu của đôi bạn. Như vậy, Bánh Thánh Thể mà họ tôn thờ, tham dự và dâng tiến lên Cha trên trời, liên kết họ lại trong cùng một tình yêu của Chúa Ki-tô.

Tình Yêu Thánh Thể chính là huyết mạch nối kết tình yêu hôn nhân với nguồn sống, nhờ đó đôi phối ngẫu có thể sống và sống hạnh phúc trong tinh yêu của Thiên Chúa. Việc rước Thánh Thể sát nhập đôi bạn trong đời sống hôn nhân, làm cho họ xích lại gần nhau hơn, bất kể họ ở xa nhau đến đâu trong không gian. Thật thế, qua việc rước Thánh Thể, Đức Ki-tô ban mình cho mỗi người, mỗi cá nhân, nhưng Ngài ban mình cho tất cả không với danh nghĩa là những cá thể rời rạc, mà với danh nghĩa là những phần tử của một cộng đồng. Khi đôi bạn đến dự tiệc Bàn Thánh là cùng đến với nhau. Sự kiện hữu hình của việc cùng tham dự một bữa ăn còn ngụ ý một sự dấn thân sâu xa hơn: việc ăn chung một bàn với nhau vốn vẫn thường được coi là biểu hiệu của một tình thân thiện sâu xa, một sự hiệp thông hay tình liên đới trong tâm hồn. Khác với của ăn thường, đây không phải chỉ là chuyện hết mọi người đều ăn những món giống nhau. Trong bữa tiệc Thánh Thể chỉ có một món đồng nhất: Đức Ki-tô ban mình một cách đồng nhất cho một số đông người rước lễ. Bởi thế, tiệc Thánh Thể làm nên sự hiệp nhất ở trong các linh hồn, vì chỉ có một Đấng Cứu Thế ban mình cho tất cả. Những người nhận lấy cùng một Đức Ki-tô làm của ăn được liên kết với nhau bằng một dây liên lạc mới. Dây liên lạc cộng đồng này được thắt lại trong tận đáy tâm hồn, ở đó con người bám chặt lấy Chúa.[11] Và nhờ đó, Thánh Thể trở thành mối dây ràng buộc tình yêu hôn nhân.

  1. Thánh Thể Biểu Lộ Sự Trung Tín Trong Hôn Nhân

Tình yêu Thiên Chúa trong Bí tích Thánh Thể dành cho con người là một tình yêu nhưng không, trung tín, bao dung, tha thứ, một tình yêu mãnh liệt, duy nhất và siêu việt. “Người là Đấng giữ lòng trung tín mãi muôn đời” (Tv 146,6). Và “Nếu ta không trung tín, Người vẫn một lòng trung tín, vì Người không thể nào chối bỏ chính mình” (2Tm 2,13). Tình yêu này trở thành kiểu mẫu cho tương quan tình yêu trung tín giữa vợ chồng[12]. Tình yêu đơn nhất và dứt khoát trong hôn nhân Ki-tô giáo trở thành cách trình bày sự liên hệ giữa Thiên Chúa với dân Người. Vì vậy, cách thức Thiên Chúa yêu thương trở thành tiêu chuẩn cho tình yêu hôn nhân của đôi bạn.

Hôn nhân giữa hai người đã rửa tội là biểu tượng thực sự cho việc kết hợp giữa Đức Ki-tô và Hội Thánh, một sự kết hợp không thể nào có tính cách tạm bợ hay “để thử”, nhưng là trung tín đời đời; như thế, giữa hai người đã rửa tội, chỉ có thể có một hôn nhân bất khả phân ly.[13] Sự hiệp thông vợ chồng được đánh dấu không những do sự duy nhất nhưng còn do tính chất bất khả phân ly của nó: “Sự kết hợp mật thiết, việc hai người tự hiến cho nhau cũng như lợi ích của con cái buộc hai vợ chồng phải hoàn toàn trung tín và đòi hỏi họ kết hợp với nhau cách bất khả phân ly”.[14] Sự trung tín không biết mỏi mệt của tình yêu mà Thiên Chúa và Đức Giê-su Ki-tô đã có đối với tất cả mọi người và đối với từng người là dấu chỉ cho lòng chung thủy vợ chồng của các đôi bạn Ki-tô hữu.[15] Đối với đôi bạn này, ơn bí tích là một ơn gọi và đồng thời cũng là một lệnh truyền phải trung thành mãi mãi, bất chấp các thử thách và khó khăn với một lòng quảng đại tuân theo ý Chúa: “Điều Thiên Chúa đã phối hợp thì người ta không được phân ly”.

Khi đôi bạn Ki-tô giáo thiết lập giao ước hôn nhân, họ bày tỏ sự tin tưởng lẫn nhau và hứa chung thuỷ với nhau. Nhưng cao hơn nữa, họ bày tỏ sự tín thác tin tưởng vào tình yêu của Thiên Chúa, và cam kết trước mặt Chúa sẽ chung thủy với giao ước tình yêu, để diễn tả tình yêu Thiên Chúa đối với nhân loại. Sự chung thuỷ của họ thể hiện sự chung thuỷ của Thiên Chúa. Hay nói đúng hơn, tình yêu trung thành mãi mãi của Thiên Chúa được giới thiệu như kiểu mẫu cho những tương quan tình yêu trung tín phải có giữa vợ chồng.

  1. Thánh Thể Cũng Cố Sự Bền Vững Bất Khả Phân Ly Của Hôn Nhân

Khi nói Bí tích Thánh Thể biểu lộ tính chất kiên định của tình yêu Thiên Chúa trong Đức Ki-tô đối với Hội Thánh của Người, thì người ta cũng hiểu tại sao bí tích này đòi buộc đặc tính bất khả phân ly trong liên hệ với Bí tích Hôn Phối, một đặc tính mà bất cứ tình yêu chân thật nào cũng mong muốn.[16] Sự đơn nhất và bất khả phân ly của Thân Thể Chúa trong Bí tích Thánh Thể đòi buộc sự đơn nhất của thân thể nhiệm mầu là Hội Thánh duy nhất và không phân chia.[17]

Thật vậy, một trong những đặc tính cốt yếu của đời sống hôn nhân công giáo là tính đơn nhất và bất khả phân ly cũng là yêu tố cấu tạo nên sự hiện hữu một nhân vị, của một con người. Đặc tính đơn nhất và bất khả phân ly của hôn nhân được nối kết chặt chẻ với mối tương quan của Hội Thánh với Đức Ki-tô, mối tương giao giữa đầu và thân thể, đầu không thể phân ly với thân thể, và hoàn toàn đơn nhất vì sẽ không thể có hai đầu nơi một thân thể, hoặc ngược lại. Trong chiều kích suy tư này có thể khẳng định rằng cũng như Thánh Thể kiến tạo nên thân thể duy nhất của Đức Ki-tô là Hội Thánh, thì cũng chính Thánh thể làm nên thân thể duy nhất nơi đời sống vợ chồng. Giáo lý Công giáo dạy rằng: Ngay từ bản chất, tình yêu vợ chồng đòi hỏi sự đơn nhất và bất khả phân ly cho cộng đoàn nhân vị bao trùm đời sống của họ. “Họ không còn là hai, mà là một xương một thịt”. “Họ được mời gọi không ngừng lớn lên trong tình hiệp thông với nhau qua việc trung thành mỗi ngày với lời cam kết hôn nhân là trao hiến trọn vẹn cho nhau”.[18]

Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch tình yêu, mời gọi vợ chồng Ki-tô hữu trở nên một thân thể duy nhất và chia sẻ cho nhau. Năng đến với Bí tích Thánh Thể, đôi bạn sẽ được Chúa Giê-su biến đổi để trở nên tấm bánh tình yêu bẻ ra trao tặng cho nhau: tấm bánh của sự sống, của niềm vui, của tha thứ và của sự tâm đầu ý hợp. Bí tích Thánh Thể chính là sức sống nuôi dưỡng, củng cố và đổi mới tình yêu của đời sống hôn nhân và gia đình. Nhờ tình yêu siêu nhiên ấy, họ dễ lướt thắng những bực bội, buồn phiền, ganh tương gây chia rẻ. Như thế, thì đôi bạn hãy năng đến với Bí tích Thánh Thể để múc lấy nguồn mạch tình yêu mà cũng cố cho sự bền vững của đời sống hôn nhân được bất khả phân ly.

III. KẾT LUẬN

Chỉ khi nào đôi bạn trong đời sống hôn nhân nỗ lực sống yêu thương trọn hảo, “yêu kẻ thuộc về mình cho đến cùng” (Ga 13,1), như Chúa Giê-su Thánh Thể, yêu đến độ dám sẵn sàng “hiến mạng sống mình vì người yêu” (Ga 15,13; 17,19), họ mới có thể hoàn toàn hiệp thông với nhau, mới thật sự “nên một thân thể”, mới có thể phản ảnh “mầu nhiệm cao cả”. Bản chất của hôn nhân, hay cốt lõi của hôn nhân, cũng chính là mục đích của hôn nhân, là ở chỗ “nên một thân thể” (St 2,24). Thật thế, bản tính sâu xa nhất của nền tảng hôn nhân Ki-tô giáo, chính là hình ảnh cuộc hôn nhân nhiệm mầu của Đức Ki-tô với Hội Thánh.

Thánh Thể, được coi là bí tích biểu lộ đặc tính hôn nhân nhiều nhất. Bằng bí tích này, Chúa Ki-tô là vị Hôn Phu hình thành món quà hiến tế để nuôi dưỡng Hội Thánh là Hiền Thê bằng chính Mình và Máu của Ngài. Rước Mình Thánh Chúa Ki-tô vừa là cơ hội cho một cuộc gặp gỡ “chân thành” với Chúa Ki-tô, vừa diễn tả “sự kết hợp với Thân Thể Chúa Ki-tô” của mỗi người chúng ta, là một thành viên của Giáo Hội là Hiền Thê. “Bánh Thánh Thể làm cho những phần tử khác nhau của cộng đồng gia đình trở nên một thân thể duy nhất, một hình ảnh diễn tả và một sự tham dự vào Thân mình “bị phó nộp” và vào Máu “đã đổ ra” của Đức Ki-tô sẽ trở nên một nguồn mạch bất tận cho gia đình Ki-tô hữu đến múc lấy năng lực cho hoạt động thừa sai và tông đồ”.[19] Vì vậy, Thánh Thể không những làm sống lại hy tế tình yêu mà còn là một bí tích kết hôn giữa Đức Ki-tô và Hội thánh. Thật thế, Thánh Thể củng cố thêm cho sự hợp nhất khăng khít của đôi bạn trong đời sống hôn nhân. Từ đó, ta có thể thấy, Thánh Thể là bí tích tình yêu và trở nên khuôn mẫu cho hôn nhân, còn hôn nhân trở thành hình ảnh phản chiếu cho Thánh Thể vì là bí tích mang đặc tính hôn nhân giữa Đức Ki-tô và Hội thánh.

An-tôn Đặng Quốc Huy,SSS


THƯ MỤC

I. TÀI LIỆU CA GIÁO HỘI

  1. BÊ-NÊ-ĐÍC-TÔ XVI, tông huấn Sacramentum caritatis Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin trực thuộc HĐGMVN, chuyển ngữ, Roma 22/02/2007 – 13/3/2007.
  2. BÊ-NÊ-ĐÍC-TÔ XVI, thông điệp Deus caritas est (25-01-2006).
  3. CÔNG ĐỒNG CHUNG VA-TI-CA-NÔ II, hiến chế Gaudium et spes (07-12-1965), trong Công Đồng Vaticano II, Phân Khoa Thần Học Giáo Hoàng Học Viện Thánh Pio X, Dalat, 1972.
  4. CÔNG ĐỒNG CHUNG VA-TI-CA-NÔ II, hiến chế Lumen gentium (21-11-1964), s. 3, trong Công Đồng Vaticano II, Phân Khoa Thần Học Giáo Hoàng Học Viện Thánh Pio X, Dalat, 1972.
  5. Giáo Luật, Bản dịch việt ngữ của: Ðức Ông Nguyễn Văn Phương, Linh Mục Phan Tấn Thành, Linh Mục Vũ Văn Thiện, Linh Mục Mai Ðức Vinh, 1983
  6. GIO-AN PHAO-LÔ II, tông huấn Familiaris consortio (22-11-1981).
  7. GIO-AN PHAO-LÔ II, tông thư phẩm giá phụ nữ Mulieris dignitatem (15-8-1988).
  8. GIO-AN PHAO-LÔ II, thông điệp Ecclesia de eucharistia (17-4-2003).
  9. Kinh Thánh, ấn bản 2011, dịch giả Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ, Tôn Giáo, Hà Nội, 2011.
  10. Kinh Thánh, dịch giả Nguyễn Thế Thuấn, Tôn Giáo, Hà Nội, 2003.
  11. PHAO-LÔ VI, thông điệp Humanae vitae (25-07-1968).
  12. Quy chế tổng quát Sách lễ Rôma, 2002
  13. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam – Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin, Tôn Giáo, 2012.

II. TÀI LIỆU TRA CỨU

  1. BERNARD HARING, Mầu nhiệm Thánh Thể và đời sống chúng ta, dịch giả Lê Viết Phương, 2005.
  2. BÙI VĂN ĐỌC, Tặng phẩm thần linh – Bí tích Thánh Thể cho con người mọi thời đại
  3. BÙI VĂN ĐỌC, VÕ ĐỨC MINH, Thiên Chúa Ba Ngôi – Bí tích Thánh Thể, Tôn Giáo, Hà Nội, 1999.
  4. CAO TẤN TĨNH, “Thánh Thể, một bí tích phối ngẫu”, trong http://www.thoidiemmaria.net/THANHTHE/Bi%20Tich%20Yeu%20Thuong/index.htm
  5. CAO TẤN TĨNH, Nguồn sống thần linh, Cao Bùi, 2005.
  6. ÐINH QUANG THỊNH, Sự bền vững của Bí Tích Thánh Thể như sự bền vững của Bí Tích Hôn Phối, trong: http://www.giadinhnazareth.org/node/627
  7. HÀ VĂN MINH, Gia đình Ki-tô hữungười là ai?, NXB Phương Đông, Tp. Hồ Chí Minh, 2014.
  8. HOÀNG MINH TUẤN, Mặc khải về Thánh Thể, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2013.
  9. JEAN GALOT, S.J, Thánh Thể sinh động, dịch giả Ngô Đức Thắng, Tôn Giáo, 2012.
  10. NGÔ VĂN VỮNG, Thánh Thể vì sự sống trần gian, 2005.
  11. NGUYỄN TRỌNG VIỄN, Thánh Thể trong đời sống tu trì.
  12. NGUYỄN VĂN TUYÊN, Đây là mầu nhiệm đức tin, Tôn Giáo, 2001.
  13. PHAN TẤN THÀNH, Bí tích tình yêu – Đời sống tâm linh IX, Học Viện Đa Minh, 2011.
  14. ỦY BAN GIÁO LÝ ĐỨC TIN Trực thuộc HĐGMVN, “Thánh Thể, bí tích mang đặc tính hôn nhân”, chuyển ngữ, Roma 22/02/2007 – 13/3/2007, số 27.
  15. VŨ CHÍ HỶ, Thánh Thể – hy lễ tạ ơn tưởng niệm mầu nhiệm vượt qua bí tích tình yêu bánh trường sinh và chén cứu độ, Học Viện Thánh Thể, 2016.

[1] BÊ-NÊ-ĐÍC-TÔ XVI, tông huấn Sacramentum caritatis, Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin trực thuộc HĐGMVN, chuyển ngữ, Roma 22/02/2007 – 13/3/2007, s. 27.
[2] GIO-AN PHAO-LÔ II, tông thư phẩm giá phụ nữ Mulieris dignitatem (15-8-1988), s. 26.
[3] x. CÔNG ĐỒNG CHUNG VA-TI-CA-NÔ II, hiến chế Lumen gentium (21-11-1964), s. 3, trong Công Đồng Vaticano II, Phân Khoa Thần Học Giáo Hoàng Học Viện Thánh Pio X, Dalat, 1972.
[4] x. BÊ-NE-ĐIC-TÔ XVI, thông điệp Deus caritas est (25-01-2006), s. 11.
[5] x. PHAO-LÔ VI, thông điệp Humanae vitae (25-07-1968), s. 9.
[6] x. HOÀNG MINH TUẤN, Mạc khải về Thánh Thể, NXB Tôn Giáo, 2013, tr. 368-369.
[7] x. HÀ VĂN MINH, Gia đình Ki-tô hữu, người là ai?, NXB Phương Đông, Tp. Hồ Chí Minh, 2014, tr. 83.
[8] x. HÀ VĂN MINH, Gia đình Ki-tô hữu, người là ai?, tr. 100.
[9] x. GIO-AN PHAO-LÔ II, tông huấn Familiaris consortio (22-11-1981), s. 20.
[10] x. ÐINH QUANG THỊNH, Sự bền vững của Bí Tích Thánh Thể như sự bền vững của Bí Tích Hôn Phối, trong: http://www.giadinhnazareth.org/node/627
[11] x. JEAN GALOT, Thánh Thể sinh động, dịch giả Ngô Đức Thắng, NXB Tôn Giáo, Tp. HCM., 2012, tr. 311-312.
[12] x. GIO-AN PHAO-LÔ II, tông huấn Familiaris consortio (22-11-1981), s. 12.
[13] x. GIO-AN PHAO-LÔ II, tông huấn Familiaris consortio, s. 80.
[14] CÔNG ĐỒNG CHUNG VA-TI-CA-NÔ II, hiến chế Gaudium et spes (07-12-1965), s. 48, trong Công Đồng Vaticano II, Phân Khoa Thần Học Giáo Hoàng Học Viện Thánh Pio X, Dalat, 1972.
[15] x. GIO-AN PHAO-LÔ II, tông huấn Familiaris consortio (22-11-1981), s. 20.
[16] x. SGLHTCG, s. 1640.
[17] x. Thánh bộ Giáo lý Đức tin, Lá thư về một vài khía cạnh của toàn thể Hội Thánh như là sự hiệp thông Communionis notio (28-5-1992), s. 11: AAS 85 (1993), tr. 844-845.
[18] HÀ VĂN MINH, Gia đình Ki-tô hữu, người là ai?, NXB Phương Đông, Tp. Hồ Chí Minh, 2014, tr. 84-85.
[19] GIO-AN PHAO-LÔ II, tông huấn Familiaris consortio (22-11-1981), s. 57.